Luỹ kế 6 tháng đạt khoảng 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 29,5% cùng kỳ năm trước.
Sáng nay CTCP Tập đoàn Hoà Phát tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh 2020: 9.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, 3,6 triệu sản lượng thép xây dựng
Năm nay Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng, cổ tức 20% trong đó phấn đấu có chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2019 công ty trả cổ tức 25% trong đó 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.
Một cổ đông cho rằng ban lãnh đạo không nên chia cổ tức bằng tiền mặt để lấy tiền trả lãi vay và đầu tư tiếp, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cho biết: “Việc không chia cổ tức tiền mặt quá tốt nhưng phải hài hoà, nhưng 4 năm rồi chúng ta chưa chia cổ tức bằng tiền mặt nên năm nay Hoà Phát quyết định chia một phần cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông”.
Quý 2 lãi sau thuế 2.700 tỷ
Chia sẻ tại Đại hội, ông Trần Đình Long, cho biết kết quả kinh doanh quý 2, đạt gần 2.700 tỷ (cao hơn gần 32% cùng kỳ năm ngoái và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của Hoà Phát, mặc dù trong quý 2 cả nước cách ly toàn xã hội 25 ngày tháng 4 – pv), luỹ kế 6 tháng đạt khoảng 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 29,5% cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của mảng nông nghiệp trong quý II tương đương quý I, chiếm khoảng 10-12% tổng lợi nhuận. Quý 1/2020 Hoà Phát lãi hơn 480 tỷ từ mảng nông nghiệp.
Một số cổ đông đặt câu hỏi vì sao nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong khi Hoà Phát vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng như vậy, ông Long cho biết “Chúng ta là nước công nghiệp mới, chúng ta rất may mắn vì hiện nay Chính phủ ủng hộ đẩy mạnh đầu tư công, ngành thép có ảnh hưởng nhưng không trầm trọng như các ngành khác”.
Sản lượng thép xây dựng có thể không đạt kế hoạch
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc công ty cho biết 5 tháng sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hoà Phát đạt 1,2-1,3 triệu tấn, tháng 6 bán được hơn 300 nghìn tấn, công ty đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ khoảng 3,6 tỷ đồng thép xây dựng trong năm 2020.
“Có lẽ sản lượng cả năm không đạt nhưng cổ đông không nên lo lắng quá, tổng tiêu thụ thép xây dựng cả nước trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 10% nhưng sản lượng của Hoà Phát tăng 10%, thị phần từ 26% lên 31%”, ông Dương cho rằng kế hoạch đầu năm xây dựng quá tham vọng nhưng Covid thực sự có ảnh hưởng, vì những người mua thép thu nhập của họ đã giảm đi. Tuy nhiên ông Dương cho rằng mặc dù sản lượng thép xây dựng giảm đi nhưng Hoà Phát xuất khẩu phôi ra nước ngoài tăng mạnh, phôi xuất khẩu có lãi từ 300.000 – gần 1 triệu đồng/tấn, tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt điều này chứng minh sức cạnh tranh của khu liên hợp gang thép rất tốt.
“Thị phần miền Bắc quanh 30-35%, miền Bắc có nhiều công ty thép lâu đời nên thị phần không tăng trưởng được, chúng ta duy trì thị phần miền Bắc và tăng trưởng thị phần miền Nam, trong 5 tháng đầu năm thị phần miền Nam tăng gấp đôi năm ngoái”, ông Dương chia sẻ về thị phần của Hoà Phát.
Sau phát biểu của ông Dương, ông Trần Đình Long nhận định: “Sao anh Dương bi quan thế!”.
Ông Dương trả lời: “Việc không đạt sản lượng thép xây dựng không vấn đề gì cả, quan trọng là chúng ta sản xuất thép thô hết công suất thiết kế và chúng ta bán được phôi, từ phôi sang thép xây dựng chỉ là một công đoạn nhỏ, chúng ta không bán cái này thì bán cái kia, không vấn đề gì cả, do đó không cần điều chỉnh kế hoạch”.
Ông Long cũng đồng tình với vấn đề công suất tổng sản lượng thép thô của Hoà Phát, khoảng 8 triệu tấn/năm, việc bán hàng sẽ uyển chuyển giữa các sản phẩm, bán phôi hoặc bán thành phẩm thép xây dựng tuỳ từng thời kỳ.
Chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương cho biết thị trường miền Nam tiềm năng, không có nhiều nhà sản xuất, thị phần đã tăng từ 10% năm 2019 lên 30% năm nay, chính sách bán hàng của Hoà Phát không phải cạnh tranh về giá, không hi sinh giá để đổi lấy thị phần, thương hiệu và cách tổ chức mạng lưới quan trọng hơn rất nhiều. Việc tổ chức bán hàng tốt dẫn đến kết quả tốt như vậy. Theo ông Dương, đích đến của Hoà Phát bán hàng cho các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Việc xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc theo ông Dương điều này chứng minh năng lực cạnh tranh của thép Hoà Phát, năng lực cạnh tranh của Hoà Phát đang ở top trên của các doanh nghiệp Trung Quốc, nếu có 10 doanh nghiệp thì Hoà Phát đứng thứ 3-4, nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc đảm bảo có lãi với biên lợi nhuận 3-10%. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc có dài hạn hay không, ông Dương đưa ra con số sản lượng tiêu thụ toàn thế giới giảm 10% trong 2 quý đầu năm 2020 nhưng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng 2% dẫn đến việc thiếu thép và đẩy mạnh nhập khẩu. Trong năm 2020 thép thô của Trung Quốc vẫn thiếu nên không tràn sang Việt Nam được. Khả năng của Hoà Phát không e ngại các đối thủ nước ngoài.
Liên quan đến việc tăng các khoản phải thu trong năm 2020, theo Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh, đây là một điều đáng mừng vì Hoà Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu, khi xuất khẩu phải mở LC dẫn đến việc tăng các khoản phải thu, với chính sách bán hàng trong nước thu tiền theo tỷ lệ. Bà Oanh cho biết Hoà Phát đảm bảo dòng tiền thuần từ kinh doanh luôn dương.
Về vấn đề tôn mạ, công ty tôn mạ đã ký nhiệm thu và đẩy sản lượng lên full công suất, năm nay đặt kế hoạch tăng 20% năm ngoái, với tình hình chung thế giới sau Covid và thuế chống bán phá giá, 6 tháng đầu năm đạt 80% kế hoạch năm.
Ống thép tăng trưởng 12-18%, việc đầu tư các nhà máy mới đang triển khai, 2020 đang tìm đất xây nhà máy ở Long An.
Tháng 9 sẽ có sản phẩm thương mại HRC
Ông Long cho biết HRC đã ra sản phẩm đầu tiên, dự kiến tháng 9 sẽ có sản phẩm bán thương mại. Hoà Phát đã làm chủ và bắt tay vào sản xuất được HRC. Về khả năng tiêu thụ, tăng trưởng cầu về HRC của Việt Nam tăng trưởng 9-10%/năm, năm 2019 Việt Nam tiêu thụ 11 triệu tấn HRC, trong nước Formosa sản xuất được khoảng 4 triệu tấn, nếu chạy hết công suất thì mỗi năm Hoà Phát sản xuất được khoảng 3 triệu tấn HRC. Tổng cầu lớn hơn tổng cung rất nhiều, không có khó khăn về tiêu thụ, riêng đặc thù của Hoà Phát trong 3 triệu sản xuất ra thì 1/3 tự tiêu thụ, 2 công ty ống và công ty tôn đã tiêu thụ hơn 1 triệu tấn.
Cá nhân ông Long đánh giá mảng HRC rủi ro ít thuận lợi nhiều, lợi nhuận thì phụ thuộc vào giá cả thị trường.
Ông Dương cho biết biên lợi nhuận của HRC khoảng 5-7%.
Ngay khi xây dựng lợi nhuận 2020, Hoà Phát không đặt trọng số mảng HRC vào lợi nhuận tập đoàn năm nay.
Giai đoạn 2 của Dung Quất: Mỗi năm EBITDA 15.000 – 20.000 tỷ nên không cần phát hành tăng vốn
Giai đoạn 2 của Dung Quất đang xin thủ tục, phải mất 1-2 năm mới hoàn thành, giai đoạn 2 làm khoảng 5 triệu tấn nữa, đầu tư khoảng 60.000 tỷ, ngày hôm nay gần như chắc chắn sẽ không phát hành cho cổ đông để tăng vốn. Ban Tài chính tính nhanh từ 2020 mỗi năm EBITDA có khoảng 15.000 – 20.000 tỷ/năm, vốn tự có nếu duy trì ở mức 50-50 thì nguồn từ lợi nhuận sau thuế và khấu hao là đủ, không cần phát hành.
Ông Long cho biết đến năm 2021, sau khi hoàn tất dự án Dung Quất thì sản lượng của Hoà Phát có thể đạt 8 triệu tấn thép/năm. Chính sách không giảm sản lượng, ra bao nhiêu bán hết đến đó, nếu thép xây dựng chậm thì chuyển sang bán phôi.
Một số cổ đông thắc mắc về giá cổ phiếu Hoà Phát bị lỗ, ông Dương cho biết giá cổ phiếu có lên có xuống, cổ đông mua cổ phiếu cách đây 3 năm với giá 50.000 đồng/cp, sau 3 lần chia hiện một cổ phiếu đã thành hơn 2 cổ phiếu mới, giá cổ phiếu HPG hiện dao động quanh mức 27.000 đồng/cp thì cổ đông không lỗ. “Giá cổ phiếu lên xuống tôi nghĩ bình thường thôi, không ai bảo đảm cho cổ đông mua cổ phiếu hôm nay, ngày mai có lãi, nhưng đầu tư dài hạn nó khác, cổ phiếu Hoà Phát tăng trưởng ổn định, ngày hôm nay giá cổ phiếu không phải ở đỉnh nhưng các nhà đầu tư nhiều năm đều có lợi nhuận”, ông Dương bình luận.
Vấn đề môi trường, ông Long rất thẳng thắn trả lời cổ đông về hai ngành chủ lực của Hoà Phát là lĩnh vực sản xuất thép và nông nghiệp “nhạy cảm với môi trường”. Quan điểm xuyên suốt của ông Long là “chủ trương làm mọi thứ tốt nhất có thể, Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt chi phí đầu tư của Hoà Phát cho môi trường rất lớn”. Ông Long cho biết mấy tháng nay vấn đề môi trường nóng lên, phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí người dân đến trước cổng công ty, ông Long cũng cho biết ngành công nghiệp thép bản thân nó tạo ra vấn đề môi trường rất lớn, và Hoà Phát sẽ làm tốt nhất có thể. Trường hợp ở Dung Quất rất phức tạp, quanh khu vực có 500ha thì xung quanh còn 150ha có dân ở bị ảnh hưởng, Hoà Phát đã xin ứng tiền để UBND tỉnh xây khu tái định cư để dân có thể di dời sớm nhất có thể.
“Lãnh đạo tập đoàn thông cảm và chia sẻ với người dân ở khu vực đó, Hoà Phát làm tất cả những gì có thể tốt nhất để ứng trước tiền tái định cư, ứng trước tiền thuê nhà, UBND tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận điều đó”.
“Đầu tư thích đáng về mặt kinh phí nhân lực vật lực tài lực cho mảng môi trường, chúng ta không bảo thủ, nếu phát sinh vấn đề gì chịu khó lắng nghe, áp dụng thành tựu mới nhất khắc phục vấn đề phát sinh”, ông Long khẳng định.
Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát năm 2020 đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng gồm: Báo cáo của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát; Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020 (doanh thu 86.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng); thông qua việc sửa đổi một số nội dung đăng ký kinh doanh, Điều lệ Công ty; Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019; thông qua việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất lên 60.000 tỷ đồng.