Áp thuế 10% nước ngọt có ga không cồn: Lợi bất cập hại?

Theo Dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính, mặt hàng nước ngọt có ga không cồn được đề xuất áp thuế 10%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế không những không có ảnh hưởng tốt, thúc đẩy nền kinh tế nội địa, mà còn tạo ra những tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội. Và mục tiêu chính tăng ngân sách cũng sẽ “phá sản”.

Theo Tờ trình, lộ trình đưa ra để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn là 1/7/2017. Thuế suất TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn ở mức 10% là thấp nhất trong khung chịu thuế lên tới 70%.

Mục tiêu kép

Một trong những lý do quan trọng Bộ Tài chính đưa ra để lý giải cho việc áp thuế 10% mặt hàng nước ngọt có ga không cồn là: khoản thuế TTĐB sẽ là một nguồn tăng ngân sách đáng kể cho Chính phủ.

Bên cạnh đó, nước ngọt có ga không cồn là đồ uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là trẻ em với số lượng lớn được tiêu thụ hằng năm. Trong nước ngọt có ga không cồn có những chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản… đã được các chuyên gia y tế quốc tế cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức, như gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư…

Việc đưa ra mức thuế 10% không phải không có cơ sở. Khi xây dựng dự thảo, các chuyên gia, nhà làm luật có cân nhắc và tham khảo mặt bằng một số quốc gia quanh khu vực. Theo đó, tại Campuchia, tất cả các loại đồ uống đều chịu thuế 10%, Thái Lan đánh thuế 20% đối với nước có ga không cồn, một số loại khác còn chịu thuế tới 25%…

Để minh chứng cho những “hiệu quả” từ chính sách của thuế mang lại, Bộ Tài chính dẫn đưa ra dẫn chứng tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn, với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít. Do vậy, việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này (dự kiến thu khoảng gần 2.000 đồng/lít nước giải khát có ga) không ảnh hưởng lớn đến DN. Và dự kiến số thu NSNN tăng khoảng 1.500 tỷ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng.

Lợi bất cập hại

Tuy nhiên, trên thực tế, xét một cách toàn diện thì những tính toán của Bộ tài chính và cơ quan soạn thảo dường như chưa thực sự tạo ra được sự đồng thuận. Thậm chí nó còn đi ngược lại những mục tiêu ban đầu. Bởi hiện không một quốc gia nào trên thế giới chỉ đánh thuế TTĐB vào NGK có gas. Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào thành phần carbonate hóa (CO2) để đánh thuế là không công bằng, vì chất này không có hại cho sức khoẻ. Một số quốc gia khác đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng dựa trên tỷ lệ đường, chứ không phải cơ sở ga. Về cơ bản, đồ uống có tỷ lệ đường lớn mới là tác nhân gây béo phì, tiểu đường… chứ không phải carbonate hóa. Thêm vào đó, hiện thị phần nước ngọt có gas tại VN có đến 88% nằm trong tay các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ ngay lập tức bị thu hẹp thị phần, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.

Ông Phan Hữu thắng – Giám đốc Công ty tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng: Chúng ta cần phải trả lời được các câu hỏi: đây có phải sản phẩm xa xỉ không, có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng không và liệu mức thu có làm tăng thu ngân sách…? Cần cẩn trọng, công bằng trong quyết định cuối cùng và không áp thuế TTĐB 10% đối với sản phẩm nước ngọt có ga không cồn, vì đây là sản phẩm bình dân, được tiêu thụ đến tận vùng nông thôn trên cả nước. Do đó, khi áp thuế TTĐB thì đối tượng chịu thiệt đầu tiên sẽ là đông đảo người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng thuế mặt hàng này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của ngành, chẳng hạn ngành sản xuất đường, hệ thống phân phối bán lẻ, đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể (tiệm tạp hoá, bán rong), sinh kế và thu nhập phụ thuộc trực tiếp vào việc kinh doanh mặt hàng này.

TS. Trần Kim Chung – Viện phó Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ra một phép tính: giả định mức thuế này được áp dụng, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo giá nhà máy thì mức thu của Chính phủ đạt 8,46 triệu USD. Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có ga làm công nghiệp đồ uống mất đi 40,5 triệu USD và nền kinh tế giảm 12,1 USD. Sản lượng đồ uống tại VN giảm 0,58% và GDP có thể giảm 0,01%. Ngành đồ uống hiện nay đóng góp tới 15% trong GDP, xấp xỉ với ngành nông nghiệp đóng góp 19% GDP. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì lượng cầu đồ uống có thể giảm 28%. Lúc đầu nguồn thu thuế có thể tăng lên, nhưng sau sẽ giảm xuống, giống như trường hợp của Indonesia. Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới dừng lại ở tác động rất trực tiếp. Còn các yếu tố bị ảnh hưởng khác như lao động, việc làm, các nhà cung cấp mía đường, nguyên liệu … thì chưa tính hết được. Theo cách tính này thì rõ ràng mục tiêu tăng ngân sách sẽ “phá sản”.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) thông qua, vì vậy những ý kiến đóng góp đa chiều và thời điểm này là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, VN cũng là một nước đang phát triển với nhiều DN nội địa với năng lực cạnh tranh còn yếu. Thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga có thể tạo ra bất lợi cho các DNNVV. Ngoài ra, VN đã ký nhiều thỏa thuận thương mại song phương và đa phương với các nước khác và việc này sẽ khiến các nước xem xét lại thoả thuận với VN, khi bối cảnh thị trường nội địa đang có nhiều sự thay đổi.

Đặc biệt và cá biệt

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu được thực hiện sẽ là “một trường hợp cá biệt”, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng xã hội và gây ra hoài nghi về tác động kinh tế của thuế này.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế VN:

Cần nhắc

Về giác độ sản phẩm tiêu dùng thì nước ngọt có ga không cồn tương đối rộng rãi hơn. Ví dụ so với rượu bia thì tác hại của nước giải khát có ga không cồn có tác động về mặt xã hội tiêu cực ít hơn, vì nó không có độ cồn. Về nguyên tắc, cơ cấu thuế TTĐB là người tiêu dùng nộp còn người sản xuất và nhập khẩu là người đứng ra nộp thay, khoản này sẽ nằm trong giá bán. Cho nên, người tiêu dùng chịu giá đó. Đương nhiên, khi áp thuế TTĐB thì giá bán sản phẩm về nguyên tắc sẽ cao lên tương ứng.

VN cũng có thể cân nhắc, xem xét kinh nghiệm quốc tế và điều kiện cụ thể của VN để có thể áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm này hay không. Thuế TTĐB cũng có một đặc tính là loại thuế này được đưa ra trong những thời gian lịch sử nhất định và ở những quốc gia khác nhau.

Lấy ví dụ thuế TTĐB đối với kinh doanh golf, một số nước cho rằng đây là hoạt động thể thao cao cấp và thông qua việc chơi golf, các DN có thể đàm phán và ký kết hợp đồng với nhau. Nhưng VN lại đánh giá đây là hoạt động xa xỉ. Trước đây, thuế với hoạt động chơi golf chỉ có 10% và bây giờ luật sửa đổi nâng lên 20%. Hoặc chúng ta đang đánh thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 PTU nhưng tại thời điểm này, khi kinh tế phát triển thì phải điều chỉnh, mặt hàng đó không đưa vào chịu thuế TTĐB nữa. Vì trong thuế TTĐB nêu rõ là sẽ được điều chỉnh trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau và ở từng quốc gia khác nhau.

Ông Herb Cochran – Giám đốc điều hành AmCham VN (TP HCM):

Thuế TTĐB thường được áp dụng cho các “xa xỉ phẩm”, thường là những sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu một nhóm khách hàng nhỏ, thường có thu nhập cao. Kế đến, thuế TTĐB được áp dụng cho các sản phẩm có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Đây chính là mục đích đặt ra ban đầu của thuế, để cân bằng giữa mức tiêu dùng của những người có thu nhập cao và thấp, giữa những người có xu hướng mua thực phẩm có lợi cho sức khỏe và những người không cùng xu hướng đó. Do đó, việc áp dụng thuế cho những sản phẩm phổ thông là rất không công bằng cho những người tiêu dùng thông thường.

Ở góc độ rộng hơn, các Cty sản xuất những sản phẩm thay thế cho nước ngọt có gas như nước hoa quả, sữa, trà đóng hộp… sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các Cty sản xuất nước có gas. Đó là sự không công bằng trên thị trường khi thuế mới này được áp dụng.

Thời gian đầu, sẽ có một sự gia tăng đáng kể trong nguồn thu từ việc đánh thuế TTĐB này. Nhưng bất cứ ai hiểu bản chất của hệ thống thuế và thuế TTĐB sẽ nhận thấy vấn đề, thuế TTĐB đang được đánh trên chi phí đơn vị và nhắm vào người tiêu dùng. Khi đó, các nhà sản xuất sẽ có hai lựa chọn chính: tăng giá bán để duy trì lợi nhuận và làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hoặc cố gắng điều chỉnh tỷ lệ giữa thuế và lợi nhuận để cả khách hàng và DN cùng có lợi.

Trong cả hai trường hợp, doanh thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN đều bị giảm. Vì vậy, lợi ích tài chính từ việc áp dụng thuế TTĐB cho nước ngọt có gas không cồn là chưa có căn cứ.

P.Nam

Theo Vietstock